Bay đêm

10h tối, tôi ra sân bay. Trời nóng kinh khủng

Transit là phần khó chịu nhất trong những chuyến bay. Với nhiều người, không phải với tôi. Tôi tận hưởng những giờ transit như một kẻ không sành uống chỉ muôn nhìn ngắm một ly cocktail rực rỡ trên quầy bar. Máy lạnh điều độ, những hàng gạch sáng bóng, hết thảy đều loáng lên dưới ánh đèn bất kể ngày đêm. Ngọai trừ chuyến bay cách đây 6 tháng, một chuyến bay kèo dài dật dừ như cơn sốt hành hạ. Tôi gần như lịm đi trên hàng ghế chờ hôm ấy.

Lần đầu tiên bay tôi mặc quần jean, áo somi và giày cao gót. Đó là sai lầm cần nghiêm túc học hỏi. Chân tôi rã rời với nhừng lần di chuyển công.Hành lỳ xách tay nặng nề và giày cao gót trên mặt sàn bóng nhẵn là thảm họa. Tôi thèm thuồng đến độ ngây người khi nhìn thấy hàng loạt khách phương Tây quần lửng áo thun và dép lê. Họ rõ ràng đã học bài học ấy trước tôi rất lấu. Sân bay không phải là chỗ để trịnh trọng, cần một sự đơn giản thoải mái và tự do. Quan sát mọi người trong những giờ chờ như đánh màu và vẽ bức tranh cuộc sống. Tôi thấy người Châu Á ríu rít chân theo nhau. Họ nói nhiều lắm. Và nói rất to. Đàn bà chèn kéo con nít, đàn ông bàn tán xôn xao. Họ là người khuấy sân bay lên thành một góc chợ Tàu có ở khắp nơi trên thế giới. Người Châu Âu trái lại, bình thản và lạnh nhạt với mọi thứ. Trẻ nhỏ Châu Âu thường ngủ say sưa trên xe nôi hay vùi đầu vào những trò chơi điện tử. Ba mẹ chúng đọc sách. Tôi yêu mến hình ảnh người Châu Âu đọc sách say sưa. Họ đọc sách trong quán ăn, trên bãi biển ( công cộng hay riêng tư đều ổn), ghế đá, siêu thị, cạnh thang máy siêu thị, dĩ nhiên sân bay. Tôi đoán chừng không phải mọi cuốn sách đều hay nhưng mọi cuốn sách đều “nhìn” rất hay bên những người đọc như thế.Ta có thể mặc kệ họ, và họ, thật ra đã mặc kệ thế giới bao gồm cả ta cùng những thứ hỗn loạn khác

Hôm nay tôi mặc quần lửng, áo thun xanh với chiếc túi xách tay màu đỏ bên ngoài. Cuốn sách tôi đọc nói gì đấy về buổi chuyện trò với thượng đế. Thi thoảng tôi cảm thấy chuyện trò là một việc khó khăn. Ngôn ngữ phải chọn cho đúng, ngôn ngũ phải được phát âm vừa đủ nghe, ngôn ngữ phải hiểu được, chịu đựng được (với người nghe). Tôi đang tìm cách “chuyện trò” với người yêu cũ. Tôi cần lấy những quyển sách đã gửi cho anh. Những quyển sách tôi đưa anh với trang gấp và những hàng gạch dưới đoạn tôi thích hay điều tôi muốn nói với anh. Những quyển sách tôi đã đọc. Suy nghĩ tìm cách chuyện trò với anh làm tôi mệt mỏi nhạt miệng. Những thứ liên quan đến tình yêu của tôi bây giờ là hạt sạn nhám. Chúng cứa đi cứa lại trong võ não, trong suy nghĩ. Vết thương nhỏ, không mở toang, chỉ những vết xước được rạch đi rạch lại nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau. Lúc này, ký ức của anh trở nên nhăn nhúm (không còn là của tôi, vì tôi hoàn toàn mất quyền kiểm soát, tôi đặt nó là của anh, trong trí nhớ tôi, có những phần thuộc về anh và tôi không thể làm gì hơn là tự vỗ về mình, cả cuộc đời dành cho một mẩu ký ức không phải là điều quá đáng). Một câu chuyện kéo dài và kết thúc ngắn gọn như khi anh buông một câu, đừng gọi tôi nữa.

Chúng tôi luôn sống ở 2 nơi cách biệt. Điều đó, kỳ cục thay, lại dính chặt mọi thứ nơi thành phố tôi ở vào đoạn “ký ức của anh”. Chặt đến độ khi tôi quay đi, tôi đã thở ra nhẹ nhàng, tựa như những ngày sống trong thành phố ấy hơi thở của tôi đã cạn mất, theo giờ. Mấy tháng hè với tôi khi ấy là lễ thánh tình yêu. Tôi mua kem dưỡng da, cắt tóc và ra sân bay nhìn thấy anh đầu tiên trong hàng chờ. Tôi có 3 tháng như vậy, mỗi 2 năm. Tôi ngồi sau xe ngắm chiếc áo sơmi  màu sáng anh mặc, tôi hôn anh, ép mình vào lưng anh. Ngày hè ấy là lần thứ 4 trong chu kỳ 3 tháng hạnh phúc. Anh nằm yên ngủ. Tôi ngồi nhìn và bật khóc. Điều đó thật là quái đản. Tôi cảm thấy sự kỳ dị khi nước mắt chạy theo rãnh trôi xuống cằm ướt cánh tay. Tôi cô đơn kinh khủng trong lúc ngắm người đàn ông của mình sát bên cạnh, giữa đôi chăn màn. Sự cô đơn lạnh như ngón tay một người đi giữa tuyết. Những ngón tay buốt rét luồn vào ót, vuốt ve tóc và kéo thành vệt dài trên lưng. Sau hôm đó anh ra sân bay. Tôi trở về nhà xốc ngược tủ quần áo, những chiếc áo đầm rực rỡ. Và tôi bắt đầu hẹn họ. Tôi dấu nhẹm cảm giác có lỗi hay cắn rứt. Tôi mặc áo trễ vai, rút vào người bên cạnh khi trờ mưa. Anh vẫn gọi cho tôi. Sau mỗi cuộc gọi tôi lại gào lên. Tiếng gào từ phía lồng ngực trào ngược lên cuống họng và ghim chặt nơi đó.  Sự dịu dàng, đáng yêu của anh như thuốc độc. Tôi chán ăn, cáu gắt, thờ ơ. Tôi khóc trong toalet giảng đường. Chuyện ấy kéo dài cho đến tận ngày tốt nghiệp. Quyết định buông tha bản thân, tôi chia tay, bỏ đi khỏi thành phố, không bao giờ nghĩ đến việc quay lại

Nhưng tôi phải lấy lại mấy quyển sách ấy. Tôi đoán anh vẫn giữ, không đem đổ tung hay vứt hết chốn nào đó. Vì anh thích đọc sách, hoặc 1 quyển sách nặng chịch, bìa đẹp và vuông vức thường làm người ta đắn đo. Những thứ góc cạnh và sờ được làm người ta chùn tay hơn là giọng nói hay 1 cú điện thoại. Tôi đã gọi cho anh 3 hay 4 lần. Lẽ ra tôi không được phép, dĩ nhiên tôi cũng không cho phép mình làm vậy. Nhưng sự ra đi giữa đoạn, vào ngày hè tháng 7, khi mọi thứ đang bình tĩnh trôi theo nhịp, là tội lỗi của tôi. Người ta quy tội trên vành móng ngựa với tang chứng, nạn nhân và động cơ. Tôi không có động cơ. Tôi rõ ràng rất cần ai đó yêu thương. Tôi rõ ràng rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Tôi không có nạn nhân, không phải anh, vì suy cho cùng, cuộc sống anh đã xáo động và trở lại bình yên, một ít lâu sau đó.  Tang chứng tôi không rõ. Có lẽ buổi ăn tối khi tôi dâp máy anh, có lẽ những bộ phim tôi giữ điện thoại im lặng. Dù sao, tôi đã vác lên mình sự tội lỗi. Tội lỗi đã xốc lên sự bình yên, “đáng lẽ phải như thế”, và “nên như thế”. Tội lỗi đã khóc vào một đêm tháng 7, khi anh ở ngay bên cạnh. Tôi e chừng chỉ muốn nói những điều vô nghĩa với anh. Cho nên anh gắt và cúp máy. Tôi cảm giác như đang ngồi trong nhà, cầm mỗi lưỡi dao nhỏ, đặt trên cổ tay, và gào lên theo kiểu : em xin lỗi anh, em sẽ chết để đền tội. Và ngay khi lưỡi dao nhỏ kề đến bàn tay, người đàn ông đó đã bỏ đi. Lúc này chết thật khó. Chết vì muốn được tha thứ là cái chết theo kiểu: tôi hy sinh cho mọi thứ. Nhưng một cái chết “tôi hy sinh cho mọi thứ” cần phải có sự chứng nhận. Người đàn ông bỏ đi trước khi tôi lao mình vào cái chết.

Điều đó giữ tôi sống, hít thở và bước đi. Tôi trở thành bia mộ cho lời xin lỗi của mình, thay vì lời xin lỗi là bia mộ cho tôi. Cái chết của tôi chưa ra đời đã bị bóp nghẹt. Anh đã biến dạng từ ngày tôi sống. Ít ra là trong tôi. Tôi không thù hận hay ghét bỏ, tôi chỉ thấy anh biến dạng dần đi, và tình yêu của tôi, biến dạng như những món đồ khảo cổ. Nó đã từng là vật quý, nhưng, nó là vật bỏ đi. Ta có thể mang nó vào bảo tàng, bỏ trong một tủ kinh với đèn rọi từ bốn góc, một mảnh giấy nhỏ xíu ghi chú  : Ngày tháng năm, đã tìm thấy, địa điểm ” Người ta sẽ ồ, và sẽ ngắm nó dưới mọi góc độ, mọi lời bình. Có điều khi đèn tắt, cửa đóng, vật ấy trở lại thành một mẩu rác phung phí bị dấu nhẹm dưới đất đá theo thời gian.

Nhưng tôi cần lấy lại mấy quyển sách. Sách với tôi là thứ đẹp, và vô tội. Thư tình tôi viết, vật tôi tặng được quyền tiêu hủy vì đó là tôi ngày ở lại, không phải tôi lúc bỏ đi. Sách chỉ là một thứ tôi đã trải nghiệm và chia sẻ. Tôi muốn lấy lại, ít ra là phần chia sẻ vì nó vô tội, hoặc ít tội hơn. Tôi nghĩ chỉ cần bắt đầu bằng việc bấm số và đợi tiếng trả lời, rồi đơn giản ” Tôi cần lấy lại mấy cuốn sách” Nếu anh lại cắt máy, tôi có thể gọi lại, hoặc viết mail, hoặc nhờ bạn gửi tin nhắn. Quá nhiều phương tiện để liên lạc, nhiều đến độ người ta không thể nào sống trong im lặng cách ly, ngay cả khi leo lên đến tận mặt trăng.

Và tôi đi tìm buồng điện thoại. Tất cả điện thoại trong phòng chờ đều cần card, không chấp nhận cash. Tôi không mang card theo và điều này trở nên bực bội. Tại sao không có buồng điện thoại nào trong khắp khu sảnh dài thênh thang. Tôi đếm được 4 nhà hàng, 2 tiệm cà phê, một dãy máy tính online, shop quần áo, nước hoa thậm chí cả 5 phòng dành cho người hút thuốc. Nhưng không có buồng điện thoại nào tôi sử dụng được. Gần 1 tiếng đồng hồ tôi đóng vai 1 kẻ ngớ ngẩn dưới con mắt quan sát của hành khách trong phòng chờ. Việc lấy lại những cuốn sách trở nên nghiêm trọng, hay đúng hơn, việc tôi phải nói với anh ” tôi cần những quyển sách” trở thành điều bức bối. Màu trời rất sậm sau vòm kính, cổng máy bay của tôi bắt đầu mở cho thủ tục check in. Người bay kinh nghiệm bình thản tiếp tục duỗi chân trê ghế chờ, hàng người với hành lý không thể biến mất đi trong một hai giây. Những chiếc túi đủ dạng đang được dằn xuống máy chiếu. Hành lý xách tay cũng là vật tôi hay quan sát, đặc biệt là hành lý xách tay của những cô gái.

Nếu cô ấy đến từ một đất nước nhỏ, không giàu có, và chuyến đi này kéo sạch tiền bạc, cô ấy sẽ có nhiều kiện hàng. Kiện hành chứ không phải vali. Những món đồ được chèn trong 1 hộp carton giấy. Hộp carton căng cứng như sắp tung tóe mọi thứ bên trong. Cô ấy sẽ có ít nhất 2 kiện hàng làm hành lý xách tay. Một lần tôi chứng kiên nhân viên hải quan yêu cầu mở kiện hành lý. Cô gái xui xẻo ngẩn ra trong hai giây, và mặt cô chuyển sang màu lo lắng, đôi mắt cô van lơn. Không có gì nghiêm trọng trong những kiện hàng, không ma túy lẫn hung khí. Một chiếc áo mưa, một cái mền và hai chai sữa tắm. Cô gái không hề ngẩng đầu lên trong suốt câu chuyện với nhân viên hải quan, chiếc mền bị xốc tung trên băng chuyền. Người ta nghi ngờ cô có thể vùi những thứ hàng cấm bên trong, nhưng tôi e rằng, điều duy nhất cô gói bên trong là sự xấu hổ. 2 chai sữa tắm bị giữ lại vì chất lỏng không được phép cất trong hành lý xách tay. Những cô gái khác, ngược lại với liệt kê bên trên sẽ có 1 hành lý nhỏ. Gọn gàng và thanh lịch. Loại hành lý có màu đỏ bordeau hay đen sậm, với chiếc khoen sáng long lanh. Rất hiếm khi hành lý cô bị kiểm tra vì mọi thứ đều có thể scan và thứ chất lỏng duy nhất cô mang là chai nước hoa đắt tiền mua tại hàng miễn thuế sân bay. Đôi khi sự quan sát làm người ta cảm thấy cuộc sống đã mang một công thức, như kiểu khi bạn cần một cú điện thoại thì sẽ không bao giờ tìm ra buồng điện thoại.

Tôi vào cổng khi còn 15 phút cuối để chần chừ. Nhưng tôi không thể làm gì, kể cả việc chần chừ. Dù sao tôi sẽ vẫn bay, những cuốn sách quả thật trở nên phiền phức hơn cả việc tôi tưởng. Một cú điện thoại ở phòng chờ sân bay về những quyển sách cũ. Điều đó thật kỳ quặc. Máy bay dềnh dàng cất cánh, không cả sao, không cả mây, những chuyến bay đêm rất quạnh, và đơn chiếc. Tôi cố ép mình ngủ đi, cho dù chỉ là khép mi  mắt. Những mộng mị chập chờn chao nghiêng, tôi thấy anh, người yêu cũ, đứng trên mẩu đá rất gập ghềnh, tiếng anh với sang tôi “Mua sách khác đi, trời mùa đông tôi không ra bưu điện được” Có lẽ máy lạnh phả trên đỉnh đầu đã vượt quá sức.

Tôi ao ước mình không bao giờ trở về nhà. Máy bay có thể hạ cánh, nhưng không phải nơi ấy.

4 thoughts on “Bay đêm

  1. “…Một cú điện thoại ở phòng chờ sân bay về những quyển sách cũ. Điều đó thật kỳ quặc..”

    Không kỳ quặc một chút nào hết!

  2. Thật kỳ quặc. Có vẻ như đọc mà không hiểu gì hết nhưng lại thấy thích. Chắc tại mình cũng đang nhớ những cuốn sách cũ.

  3. hic, mày sướng chết được. Chàng da ngăm của m ko biết tiếng Việt nên m thỏa sức tràng giang về ng cũ. Hic. t mà nói 1 tráng nhưmày chắc…

    • =)) Chu’c ma`y may ma’n
      ban kia cho du co biet tieng Viet thi tao cung hong nghi co viec gi +_+ Ban ay theo kiue lac wan chu nghia, tu tin toan thang, hong bao gio bay to y do` ghen ghiec..nhat la vo’i chu~ nghia~ =)) du.ng vo thi ko dc chu ngoi noi bong noi gio’ lam tho thi okey

Leave a reply to Per Cancel reply