Mưa của những tháng hè đầu tiên.

 [mình chỉ viết chơi thôi, chả có gì]

Tối qua anh đập vỡ tô cơm. Cơm bắn tung tóe, những mảnh sành vụn chi chiết to bé lớn nhỏ, rải đều từ bậc cầu thang anh đứng đến tận lầu dưới. Cô dằn mạnh ki rác từ tay anh hét lên những tiếng gì cũng không rõ, có lẽ nó vô nghĩa như một đống lửa sắp tàn bị gió thổi vung tro đen tứ tán.

Anh ngồi trên sofa. Cô leo lên bậc cầu thang trên cao nhất nơi có mảnh vỡ rất to rồi di chuyển xuống dưới dần. Mảnh sành cũng theo nấc thang nhỏ dần, nhỏ dần, rất nhỏ bằng kích thước hạt bụi hơi to. Ngày xưa mẹ dạy, khi lau dọn mảnh vỡ thì nên chú ý đến những nơi xa hơn, nơi mà mảnh sành  bé có thể bắn ra. Những mảnh bé vừa khó thấy, lại vừa xót. Chúng mới là điều lo ngại.

Dọn xong thì cũng vừa lúc anh quyết định xin lỗi cô. Cô độ chừng cơm còn lại đủ có một người nên san cơm ra chén nhỏ, bỏ hết đồ ăn vào hai loại dĩa bé hơn, trông chúng có vẻ vừa vặn cho một người hơn là buổi tối hai đứa. Cô niêm phong mâm cơm bằng màn nhựa bảo quản thức ăn, để anh lên lầu làm việc tiếp.

Hồi chiều chị Hai ghé qua. Lúc chị ghé tầm năm giờ hơn chút, khi  cả hai định ra ngoài hóng gió mát ăn dĩa sủi cảo. Chị Hai ghé nên ba người ngồi lại phòng khách. Anh vốn không thích những giao tế kiểu bà con nên ngồi chút lại tỏ ý muốn đi lên lầu nhưng chị Hai không nhận ra, vậy là nói mãi đến sáu giờ hơn vẫn đủ ba người. Chị Hai tên Thương, sinh trước cô sáu năm. Hồi đó tiêu chuẩn sinh con cách nhau sáu năm. Hồi đó người ta cũng không tân tiến đến mức chẳng cần con trai cai quản bàn thờ gia đình nên nhà mới có thêm cô. Cô lại là một đứa bé gái. Ở nhà đặt là Nghĩa. Thương thì có tình Nghĩa thì có khí chất. Nhưng chị Hai là người có khí chất, còn cô chỉ có một đám mây đa sầu đa cảm vởn vơ. Bây giờ chị Hai đang là giám đốc công ty nằm trên tòa nhà lớn đối diện công viên trung tâm thành phố. Cô chỉ là nhân viên văn phòng.

Chị Hai đến vì nghe má nhắn cô không chịu nhận xuất học nâng cao của công ty kéo dài một năm ở Trung Quốc. Chị Hai vừa cởi đôi giày để bậc cửa đã hỏi ngay cô tại sao không đi. Cô nói đâu có thích Trung Quốc.

-Em ở đó luôn hay sao mà phải thích?

-Thì vẫn là không thích.

Chị Hai bắt đầu nói rất nhiều cân nhẹ thiệt hơn, cũng đến lúc cô coi trọng sự nghiệp của mình hơn những tình cảm riêng tư. Đến đoạn này thì anh đã lên lầu trước vài phút. Anh rất nhạy trong việc đoán được đường dây ý đồ của những cuộc đối thoại như vầy, để cô không khó xử và bản thân không bị nhiêu nhưỡn, anh tránh mặt trước khi vấn đề được đặt ra. Chị Hai nói xong nhìn cô đợi vài lời trả đáp, cô hít thở, bụng căng lên rồi đẩy hơi nhẹ ra, như bài học yoga

-Sự nghiệp em tốt mà, đủ nuôi em.

-Nhưng có thể tốt hơn rất rất nhiều.

-Em không cần.

Chị Hai im lặng vì chị đang rất giận. Từ nhỏ chị đã không thích thói bất cần của cô. Tuy cô mỏng manh lúc nào cũng như một cái cây dại phía sau lưng người chị mạnh  mẽ khí phách. Chính vì chỉ là một cây dại nên những suy nghĩ bất cần cố chấp của cô được dung dưỡng dẻo dai hơn tất cả. Nếu không, giờ này cô có thể cũng đang đâu đó trên một tòa nhà cao ốc.

-Chồng em không cho đi hả?

-Chồng em chưa biết.

Nghĩa ra tủ lạnh có ý cắt trái cây mời chị nhưng chị Thương kịp đứng lên. Chị không rảnh rang để ỷ ôi dò hỏi, chị muốn đến thật nhanh nói thật nhanh điều mình cần và thấy Nghĩa theo đó thay đổi quyết định ngu xuẩn ấy đi. Nhưng dĩ nhiên chị không làm được, vậy thì về. Giữa hai chị em họ là sự để ý canh chừng nhau nhưng trong một khoản không riêng của mỗi người. Họ rất gần nhau, mọi động tĩnh đều được ghi nhận, nhưng họ ít khi chạm được vào nhau đến tận cùng tâm can. Bởi vì mỗi lần một trong hai có dự định tiến sâu vào nỗi lòng người kia, lập tức thoái lui. Đó là vùng đất riêng tư được công nhận từ phía hai chị em.

Nhưng cuộc viếng thăm ấy không phải là nguyên nhân trận to tiếng vừa rồi. Việc bắt đầu khi anh nói cô thuyết phục mẹ chồng đừng rút ống thở bà ngoại. Cô từ chối. Bà ngoại của anh đã rất lớn tuổi. Sống hết cuộc đời mình với mấy lần chồng, với con gái i bao nhiêu lận đận, và đến những đứa cháu đẻ ra đỏ hỏn lớn lên, trưởng thành thậm chí, có đứa cũng đã sinh con tiếp tục nuôi dưỡng cây gia phả dòng họ.

Mỗi lần ghé nhà chồng cô thấy bà ngồi gốc phảng bằng gỗ đen bóng. Ngày qua ngày bà lại nhỏ hơn một chút, mặc dù không đoán được có gì trên người bà dư thừa để biến mất. Bà như bị ăn mòn theo năm tháng. Người xung quanh chăm sóc bà, thỉnh thoảng lại dẫn bà ra khỏi ngạch cửa để xem bọn trẻ con nô đùa. Bà chẳng biết gì hết ngoài ba bữa cơm. Cũng thỉnh thoảng nghe kể lại câu chuyện kỳ khôi nào đó bà từng làm lúc còn ý thức tốt. Ai mà chẳng có những câu chuyện kỳ khôi như kiểu đi chợ quên mang tiền. Nhưng nếu phải sống những ngày mà chỉ còn lại toàn những câu chuyện kỳ khôi về mình thì có khác chi một tấm bia liệt sĩ chỉ còn những công trạng khó ai kiểm chứng.

Và cô nghĩ phải bà mất sớm hơn đã tốt. Cô nói vậy với anh lần đầu tiên e rằng lần cuối. Anh nhìn cô trong ánh mắt thoáng long lên sự bất mãn, lập tức bị vùi dập bởi giận dữ. Cô lại nhắc lần nữa suy nghĩ của mình khướt từ mọi đe dọa vô hình. Đôi khi cô thấy mình như một hòn đá. Cũng có lúc nóng lúc lạnh theo xung quanh nhưng khi cần cứ trơ lỳ ra im lặng trước mọi cảm xúc lẫn dao động. Sự trơ lỳ của cô nó có thể đi đến vô cùng, thành ra sự tàn nhẫn mà ít ai đoán được từ một cô gái dễ xúc động.

Tối đó cô mang thêm nước uống để trong phòng ngủ. Anh có thói quen uống nước nhiều lúc làm việc. Cô nghịch tivi chán thì bật máy lạnh lên thêm một số. Cô thích cái lạnh, thích hơi nước, thích mưa. Thích tât cả những gì làm người ta co ro đi tìm chỗ ấm áp. Thỉnh thoảng cô tự nhận cuộc đời mình như con chim lao ra mưa để tìm chỗ hơ ấm. Anh làm việc xong lại tắt đèn ôm cô. Con mèo hàng xóm nhảy xổm trên mái tôn cứ như cái mái nhà che nắng mưa của cô là loại phòng trọ tính theo giờ để nó vui vầy mỗi cơn hứng tình. Nghĩ đến đây thì cô bật cười, người run lên, giọng của anh rất ấm phía sau

-Ngủ đi, giờ này còn cười gì nữa, muốn cả hai thức đến sáng sao?

-Anh xin lỗi em chưa? Cô nhích người mình ra một chút cỡ bằng ngón tay út, hơi thở của anh âm ấm phía sau gáy

-Chưa. Anh đưa tay kéo cô, dễ dàng như người ta kéo cái mền phủ thân, cô nằm im

*****

Văn phòng sáng thứ sáu có một thứ sinh khí của những người đã đi làm mệt mỏi nhiều năm tháng, vừa muốn làm việc cho nhanh để mau kết tuần, vừa thờ ơ lười nhát. Bàn phím lóc cóc theo nhịp thong thả xen lẫn vội vàng. Mọi người ăn vận cũng thoải mái hơn, cô bé dưới phòng hành chính còn mặc cả áo ba lỗ và quần jean.

Công việc của cô rất đơn giản nó chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đó không phải là nhận xét qua loa, bởi vì cô đã chọn việc này dựa trên chính tiêu chí ấy. Cô cảm giác mình không còn đủ sự thành tâm để tin tưởng rằng những con số trong tài khoản giúp mình bình yên. Mấy người trong họ còn dè bỉu cô sống cao ngạo bất cần như vậy chỉ vì đã lấy được chồng nuôi mình. Khi cô làm việc lương tốt, nước hoa son phấn công tác đón đưa thì người ta nghĩ cô đam mê vật chất. Khi cô vứt bỏ hết, làm thứ làn nhàn đủ tiền trả hóa đơn mỗi tháng, thì cô lại là cao ngạo bất cần. Chị nhân sự gọi cô xuống phòng hành chính. Chị nhân sự rất mến cô, điều này chỉ cảm thấy chứ không có minh chứng gì rõ ràng. Nhưng cô vốn là loài vô hại ở bất cứ đâu nên thứ tình cảm trìu mến như vầy cũng nhận được từ nhiều nơi

-Chị gọi em hả chị Nhân?

-Ừ. Chị nghe bảo em từ chối đi thực tập ở Trung?

-Em mới nói với sếp thôi.

-Vậy chị cần e-mail chính thức để thông báo mọi người ứng tuyển.

-Ok em mail chị

-Sao em không chịu đi hả? Chị thấy chương trình tốt quá.

-Em không thích Trung Quốc.

Nói xong thì cô nhận ra những lời này đã dùng với chị Thương. Tự giác cảm thấy có lỗi với bà chị ruột, thật ra từng ấy năm làm chị em thì chị Thương cần lời giải thích khác hơn với nhân viên phòng hành chính trong công ty. Nhưng, Nghĩa chẳng có lời giải thích nào khác, trong lòng cô chỉ nghĩ mình nên từ chối. Có rất nhiều việc Nghĩa làm đều vì “nó phải vậy”, thế thôi.

-Nghe nói em chuẩn bị đi đón khách Trung Quốc.

-Ừa, tối  em đi, cũng không hiểu sao bị lôi vào.

-Ah chắc để khoa trương lực lượng. Nhớ chụp hình cho chị làm tài liệu post lên page của công ty ha.

Khoa trương lực lượng với một vị khách mà mang cả đại diện phòng S&M, CS thậm chí đến IT, thì vị khách kia không biết có bất ngờ lắm. Dù sao tối nay cô sẽ ăn ngoài, gọi nhắn để anh tự lo phần mình và đến đón cô. Thời buổi này có bao nhiêu apps đưa đón khách nhưng cô đi đâu khuya vẫn muốn dặn anh ghé đón, trừ khi mưa gió hay anh cũng có việc với bạn bè. Ai biết được cũng nói thói dựa dẫm của cô ngày một nặng. Chỉ có anh biết sự dựa dẫm của cô dành riêng cho anh, và cách nào đấy nó làm cho mối quan hệ của họ vững vàng hơn. Một cây to cần những sợi dây leo để nương trợ cho nhau sức sống.

Trời đổ mưa đầu mùa. Taxi kẹt cứng, cũng may chị Nhân đã chu đáo gọi xe sớm. Tất cả là hai xe 7 chỗ đi thẳng đến tiệm ăn Việt hạng sang. Đề nghị này cô đưa ra, được sếp cho là rất phù hợp với vị khách phương xa lẫn chủ nhà, vì không phải ai cũng biết cách xử lý dao nĩa phương tây đúng chuẩn hay gọi những món ăn Hàn Quốc vừa miệng. Chính vi sự tinh ý của cô, mà dù không cố gắng hay “muốn” cố gắng, thì sếp cũng hài lòng với những đóng góp cô dành cho công ty dẫn đến suất đi training kia. Nhưng thôi, nó đã được thông báo toàn thể  mọi người vị trí ấy bỏ trống chờ hồ sơ mới.

Mưa không có ý gì sẽ dừng sớm. Dòng người đổ ra đường cũng không có  ý chịu đầu hàng thời tiết, ngày một đông hơn nhiều hơn. Cuối tuần người ta có đủ thứ để ra đường. Thật ra, Sài Gòn là chỗ người ta luôn tìm được lý do ra đường. Giờ tan tầm chỉ còn là khái niệm mơ hồ, lúc nào cũng có việc cần phải nhấp nhá vào dòng xe dằn dặc kia.

-Hy vọng ông khách cũng kẹt xe như mình.

-Mưa như vầy thì đường sân bay ghê lắm. Bao kẹt.

Bạn IT nam, nhân viên trẻ nhất trong chiếc xe bảy chỗ Nghĩa ngồi cùng, vừa lên tiếng. Đúng là cái  bát nháo vụn vá của đoạn đường gần sân bay đủ sức làm yên tâm mọi người. Nhưng vị khách đã đến trước, cũng không lâu hơn bao nhiêu, suy đoán từ cách ông ta đang phủi phủi vệt nước mưa trên áo sơ mi màu tím nhạt. Nghĩa cảm thấy một áp lực vô hình từ “đồng đội” đẩy cô lên trước để xin lỗi và chào mời. Cô làm việc này rất tốt. Cô gần như là vô địch phòng ban ngoại giao công try trong khoản ice breaking. Cô chỉ không thích kết giao với người lạ, còn chào hỏi, mớm lời nhau để bắt đầu những câu chuyện làm ăn thì gần như trò chơi của riêng cô.

Nghĩa chào khách bằng tiếng phổ thông nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Cô ý thức được điều ấy.

Người đàn ông phía trước lịch sự đưa bàn tay còn lành lạnh nước mưa chào cô.

Cô quen anh ta, hay là không? Trong đầu Nghĩa có sự lẫn lộn , không phải mơ hồ nho nhỏ thường gặp ở người trí nhớ kém. Nó là sự chao đảo rất mạnh của cảm xúc.

-À tôi nói được tiếng Việt. Chào cô và mọi người.

(Vụ gì tiếp theo tui cũng chưa nghĩ ra nữa, để suy tư vài ngày, nhưng chắc chắn là ông này không nhận quen biết cô kia)

Bạn làm gì khi thấy hình người yêu cũ trong ví người yêu mới.

Đây sẽ là một giả dụ nếu bạn chưa có người yêu, hoặc, người yêu bạn từ khi nứt mắt biết yêu chỉ một người duy nhất, là bạn.

Đây sẽ là trường hợp tương đối nếu người yêu bạn không có thói quen trữ hình trong ví, hãy tưởng tượng xa hơn, ipad, laptop, phone hay, tôi không biết, một bức ký họa trong quyển sổ bằng da cũ màu xanh rêu?

Chẳng hạn một ngày bạn vừa vô tình vừa cố ý phát hiện ra tấm ảnh nào đấy, bạn sẽ làm gì? Tôi nói vô tình vì bạn thực sự không chủ đích đào sâu chiếc cặp đi làm nặng 800kg của anh ấy để tìm được một bức ảnh nhỏ. Còn cố ý thì hiển nhiên rồi, vì bạn đã không dừng lại khi thấy tấm ảnh, bạn thậm chí còn nhìn khá lâu, và kỹ càng, tay miết miết trên góc ảnh, hoặc, vút trên mặt kính thiết bị di động nào đấy.

Không gian, thời điểm không quan trọng nhưng nếu bạn muốn hãy tưởng tượng ở  một không gian quen thuộc của bạn và người yêu mới (có khi cũng quen thuộc với người trong ảnh kia), vào lúc nào đấy đẹp nhất trong ngày, nắng hay mưa tùy bạn

Bạn biết rằng tình yêu tuy không thể ví như cái váy đầm trăm tám trăm hay trên shop online nhưng cũng không phải quá riêng tư bí ẩn để sở hữu riêng. Người yêu bạn cũng dễ thương đáng mến vậy (nên bạn yêu anh ta) và có sự lãng mạn truy cầu trong tình cảm (nên anh ta chịu yêu bạn) thì lẽ gì trước khi đến với bạn lại chưa từng một lần biết yêu thương? Bạn, cũng đã đôi lần yêu và sai hay đúng, yêu và bỏ đi hay bị bỏ rơi. Bạn hiểu bạn không duy nhất. Không ai là duy nhất trừ những đứa con một trong gia đình đơn chiếc.

Rõ là bạn hiểu. Bạn có vui không? Không, chắc chắn việc hiểu này sẽ không mang niềm hân hoan nào, nó hoàn toàn khác với việc ngày 5 tuổi bạn hiểu tại sao con cá thở được dưới nước còn bạn thì không. Trái lại, chắc bạn đang buồn. Bạn buồn vì tấm ảnh còn ở đấy? Không hẳn, nếu người yêu bạn không vấn vương lưu luyến thì hẳn bạn chẳng thấy được sự chân thành của anh ấy. Những người chân thành ít khi lạnh lùng ráo nước. Bạn sợ? Sợ một ngày mình cũng hóa thành tấm ảnh nhỏ dưới ngăn tủ thứ ba bên trái của anh ta. Bạn sợ những chia sẻ, đón đưa, dịu dàng hóa thành bài thơ nhỏ dưới ngăn tủ thứ hai, ngay bên trên cái ngăn đựng ảnh ấy.

Và thật ra, thì bạn cũng không rực rỡ huy hoàng hơn người trong ảnh kia. Tóc bạn có thể dài hơn, hay nhìn bạn nhỏ nhắn hơn. Nhưng mặc kệ, xem ánh mắt cô ấy kìa, bạn có đủ tinh anh hạnh phúc bằng ánh mắt ấy. Vả lại thông thường người ta hay giữ một bức ảnh đẹp. Thế nên, bạn cũng có sợ đôi chút. BẠn hít một hơi dài để tự trấn an mình sợ vì mình còn nhiều kỳ vọng. Chỉ vì kỳ vọng mà sợ hãi, nhất quyết không phải vì anh ấy thỉnh thoảng cho bạn một ánh nhìn bâng quơ không thể đoán ra điều gì.

Nhưng tôi đã giữ chân bạn quá lâu rồi. Trên thực tế ở hành động này có thể xem là bạn đang thực thi cử chỉ mờ ám không thể bần thần ngại ngần quá lâu như vậy. Tôi đã lấy mất của bạn vài phút quý giá nghĩ ngợi việc này việc kia. Bạn nhất quyết phải nhanh chóng cất tấm ảnh vào chỗ cũ. Tay này nắm vật gì đấy gần bên, tay kia vén tóc thản nhiên để không bị anh người yêu bắt quả tang. Điều quan trọng hơn là bạn phải làm gì tiếp theo.

Bạn phải làm gì khi đã xem tấm ảnh ấy. Bạn chờ cho trí nhớ mình phai đi như một ngày thời tiết đẹp qua mau. Bạn chờ được, chỉ cần lấp vào đó những kỷ niệm thật vui của cả hai. Nhưng nếu bạn không phải người trầm tĩnh, bạn muốn đối thoại, bạn sẽ làm gì.
(1)

Sao anh giữ ảnh của cô ấy?

Vì anh thích

(2)

Sao anh giữ ảnh cô ấy?
Sao em hỏi kỳ vậy?

(3)

Sao anh giữ ảnh cô ấy?

 

Có bức ảnh thôi mà em cũng khó chịu?

 

Đại loại vậy, và bạn sẽ lại thêm ký ức để chờ đợi cho trôi mau- ký ức về những mẩu đối thoại không vui. Thật khó đúng không. Bạn như một bà nội trợ hiền lành, trót hỏi giá món hàng rồi muốn đổi ý thì lại dùng dằn giữa vẻ mặt phiền lòng của người bán và những lý do riêng không mua món hàng. Bạn sẽ đứng ở ngã ba đường ấy rất lâu, lâu hơn bạn nghĩ. Ngã ba đường của việc muốn trách cứ và thừa nhận bạn không có thứ quyền lực ấy ở đây. Bạn dè chừng những sụp đổ phi lý dẫn đến từ suy diễn bản thân. Bạn mong muốn nghe dỗ dành. Bạn đang đố kỵ. Đố kỵ với ký ức là điều không nên vì đến cùng bạn vẫn là người thua cuộc.

Thế cho nên, giả sử bạn rơi vào chuyện tương tự, lời khuyên của tôi, một người chả biết gì ngoài khuyên… rằng hãy in thật nhiều ảnh của anh ấy để khắp nơi: trong ví dài, ví ngắn, ngăn đựng card, ngăn đựng son môi, trong cặp xách, trên màn hình laptop, màn hình điện thoại, instagram profile, facebook album, in ảnh ra lồng khung đặt trên bàn làm việc rồi chụp lại khung ảnh ấy post lên facebook. Hãy làm mọi thứ giống vậy. Anh ta sẽ hoảng hốt nhận ra mình là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về nụ cười, nước mắt, tin yêu của bạn. Điều đó, thật đáng sợ với anh ấy.

Disneyland – happiest place in the world

Tiền không mua được hạnh phúc. Chúng ta nói với nhau câu này rất nhiều. Lần này đến với Hongkong tôi biết rằng, chúng ta vẫn không thể dùng tiền mua hạnh phúc, chúng ta có thể xài tiền một cách hạnh phúc

Vé 1 ngày ở 474HKD (tương đương = 61 USD) vé này chỉ bao gồm các trò chơi tham quan, biểu diễn văn nghệ, chưa bao gồm ăn uống và đi lại. Như vậy không rẻ, đó là chưa kể ít có du khách nào vào đến đây mà thoát khỏi thiên la địa võng rất khéo léo của những shop quà lưu niệm đủ loại. Ban đầu tôi vẫn nghĩ, Disneyland cũng như mọi theme park khác, tìm cách cho bọn trẻ ham muốn để lấy tiền ba mẹ chúng. Nhưng từ khi bước chân vào cánh cửa tòa lâu đài, tôi biết mình đã sai, hoặc ít ra quá thiển cận không thấy được cả một câu chuyện phía sau sự thành công của nơi được coi là “the happiest place in the world”

Phần lớn, cứ theo cảm tính, tôi cho rằng 2/3 số người lớn đến đây đều có một tuổi thơ thấp thoáng dấu ấn của Disney. Và 1/3 còn lại sẽ là những người vì con, cháu mà biết đến thế hệ Disney sau này. Như với tôi, tôi có một tuổi thơ rất sâu đậm với bọn chuột Mickey, vịt Donal, chó pluto. Tôi còn nhớ mãi những cuốn băng hoạt hình quay tay khi ấy. Các nhân vật công chúa hoàng tử của Disney gần như là lớn cùng với tôi. Ban đầu là thế hệ công chúa hết sức hoàn hảo để cho một tuổi thơ màu hồng luôn tin rằng khi mình giỏi giang ngoan hiền và xinh đẹp sẽ được hạnh phúc. Sau đó là những cô gái, nàng hầu, hiệp sĩ nữ, công chúa hiện đại càng ngày càng kém hoàn hảo, càng lộ rõ những yếu điểm nhưng cũng càng mạnh mẽ hơn mà đỉnh điểm có lẽ là Elsa khi cô tuyên bố “không cần phải cố gắng làm người tốt, hãy là chính mình, cho dù có cô độc” Nói như vậy để thấy sự thành công của Disneyland là thành công của một đế chế văn hóa đã nằm sâu trong nhiều thế hệ. Bọn trẻ khi đến đây sẽ chìm đắm trong sắc đẹp được thiết kế rất hài hòa từ màu sắc đến dáng vẻ. Chúng cũng sẽ hòa mình vào điệu nhạc trò chơi hay đèn sáng lấp lánh. Nhưng cha mẹ, anh chị, người trả tiền cho tấm vé lại cảm động biết bao nhiêu khi nghe lại một lời hát cũ của anh chàng Aladin “a whole new world” thật ra, không phải là new world, an old world like old time friend, hiện về.

Hơn vậy nữa thì mỗi một tiết mục của Disneyland đưa đến cho người xem luôn luôn hướng về hai đối tượng người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt là những biểu diễn sân khấu. Tôi coi được 3 show stage performance : lion king- the circle of life, 4d show và Mickey and the Disney book. Ánh sáng hoành tráng, trang phục bắt mắt, kỹ thuật hiện đại (4d, màn hình led ect) chinh phục bọn trẻ nhỏ, khi thì chúng giơ tay vẫy vẫy, khi chúng lắc lư hát theo. Còn những hồi ức cũ sống động lẫn thiết tha chính là phần dành cho người lớn. Đơn giản hơn ở các khu vực trò chơi ngoài trời cũng vậy. Như khi đến Tiny world, sự sắc sảo sống động của các loạt hình tạo ra dọc quanh dòng sông lười cho tôi cảm giác cả thế giới đồ chơi cũ ngày nào “ búp bê Nga, chú bé mọi da đỏ” đang được dựng lại và tôi, người phụ nữ hơn ba mươi tuổi, tự nhận mình như đứa trẻ vừa lạc vào thế giới ấy.

Nhưng có lẽ suy nghĩ “xài tiền hạnh phúc” thực sự đến khi tôi thưởng thức show pháo hoa Disneyland. Sau m àn diễu hành ánh sáng đầy tính “giật gân” rực rỡ đến tiết mục pháo hoa. Tôi ở lại vì nghĩ đã đi đến đây thì ngồi tận cuối cùng, và pháo hoa, ừ thì sẽ đẹp. Nhưng không, đây là pháo hoa Disneyland. Chúng không bay lên bầu trời nổ ra màu sắc hình dạng như pháo hoa giao thừa lễ tết. Chúng bay lên bầu trời với bài hát của Beauty and the best, Aladin, Cinderella ngày nào. Chúng bay bay lên với câu chuyện cổ tích cũ nơi luôn kết thúc bằng “happy ever after”. Những bông pháo hoa Disneyland mỗi lần thăng thiên là một lần đánh mạnh vào ký ức của những người tưởng đã không còn đủ thời gian mà nhớ nhung chuyện vô bổ như bộ phim hoạt hình cũ rich coi cách đây 20 năm. Những bông pháo hoa Disneyland khi tan đi trong bầu trời đêm mang sự nuối tiếc của một thời niên thiếu tươi đẹp xưa kia.

Và như vậy, happy ever after pháo hoa Disneyland kết thúc một ngày đi chơi của trẻ nhỏ nhưng mở ra một buổi tối còn rất dài trong hồi tưởng người lớn. Tôi đi về cảm giác mông lung như người vừa tỉnh giấc mộng, trên tay còn cầm tin nhắn kể về đứa em quen biết kbỏ ra 1000usd mua thẻ vip để có thể thăm và ngủ lại bao nhiêu ngày tùy thích, cùng lúc ấy ngước lên tấm bảng “Thank you for visiting us”, trong lòng tôi đã chợt nói “Thank you for having us here”.

FullSizeRender 8IMG_1627FullSizeRenderFullSizeRender 7FullSizeRender 6FullSizeRender 3FullSizeRender 2

 

Chia tay rất cheo leo

Hôm nay  nghe chuyện chia tay, được hỏi có buồn không. Buồn chứ, những sự có mặt trong đời nhau dù lớn hay nhỏ đều là cái duyên, duyên mỏng tình cạn, nỗi buồn đó ai tránh khỏi? Mình rất không đồng ý với câu nói đại loại chia tay phải buồn thì gặp lại  mới vui. Tất cả mọi sự chia tay đều hứa hẹn gặp lại?  Lại còn gán cho nhau niềm kỳ vọng vô lý như vậy ư?

Cũng hôm nay ngồi ở một quán cà phê cũ nhớ ra mình xưa giờ đi du lịch rất không thích những thành quách đổ nát. Mình thích cảnh thiên nhiên, đô thị và nhịp sống con người hiện tại. Thành quách đổ nát như bóng ma quá khứ cho dù có là huy hoàng thì cũng ám ảnh không thua gì những chiều tàn, nặng nề chờn vờn. Quán cà phê chiều nay mình ngồi là thành quách cũ với những mảng khói ám, trên trần, tường, cả cái đồng hồ nước lâu rồi không gặp. Nhưng quán cà phê lại đầy sức sống của sự vận động từ những câu chuyện quá khứ lẫn mùi cà phê thơm và mấy viên gạch men xanh hoàn hảo.  Lúc đó mình lại nghĩ khi chia tay một con người, không chỉ chia tay sự sống nặng xx kg cao yy cm tóc như vậy, nụ cười như vậy, tính kỳ cục như vậy, sở thích như vậy, mà hơn cả chia tay một mối quan hệ: bạn bè, người yêu, người quen, anh ta, cô ấy. Suy nghĩ như thế làm mọi thứ nặng nề hơn hay không?

Không, vì suy cho cùng chia tay đã quá nặng nề, có còn gì hơn nữa?

12959490_10207957734474185_110263957_o

Sài Gòn ăn sáng

Hồi nhỏ do nếp sinh hoạt gia đình mình không có thói quen ăn sáng. Bữa sáng của mình và đứa em là ly sữa to rồi thêm chút tiền nhỏ xíu như viên kẹo vừa đủ để mua…1 viên kẹo vào giờ chơi. Cho nên ăn sáng là một từ có tính chất…nghiêm trọng như một buổi hẹn hò trong suy nghĩ mình. Chẳng hạn mình chỉ đi ăn sáng với bố vào những ngày chủ nhật đẹp trời, mình hẹn ăn sáng la cà với đám bạn mừng kỷ niệm gì đó to lớn. Và chính vì vậy nên chỗ ăn sáng của mình thường máy lạnh, đồ ăn cầu kỳ hoa lá hẹ nhiều.

Về sau mình từ từ cũng hiểu ra ăn sáng, ở Sài Gòn là một nhịp thở râất bình thường, có bao nhiêu quà sáng Sài Gòn đơn giản, nhanh gọn, rẻ vừa đủ no bụng cho một ngày mới chứ không phải chỉ để hẹn hò như mình.

Ăn sáng Sài Gòn dĩ nhiên là có thể loại “cầu kỳ hoa lá hẹ” mình nói ở trên cho những người biến buổi sáng thành chốn hẹn hò hàn huyên tâm sự. Ăn sáng lúc này thường là cuối tuần, kéo dài hàng giờ chậm chạp từ tại như giọt cà phê phin trên bàn ăn. Mấy quán ăn sáng thông thường là cà phê sân vườn có khi ngay trung tâm Sài Gòn có khi xa lắc xa lơ nhưng nhất quyết phải đẹp, mát, và thơm mùi của mỹ phẩm nước hoa lẫn mùi đồ ăn. Những chỗ này con trẻ có thể chạy giỡn cho ba mẹ nó tán dóc cùng bạn bè hay chỉ đơn giản im lặng bên tô bún bò mắc hơn ngày thường với những sợi rau muống chẻ điệu đàng chứ không lắn quắn như bún bò bình dân.

Ăn sáng Sài Gòn xuống chút nữa là tiệm ăn với ghế nhôm, ghế nhựa quán nhỏ có thể trong nhà mái che hay kê ngay con hẻm nhỏ xíu xe tới lui đều căng thẳng đôi bên. Nhưng rất ngon, có khi đã bán cả chục năm. Gọi món nào món đó ra vừa lòng khách hít hà để no bụng ngày mới. Vậy mà bảng hiệu viết đến qua loa là cùng, phần lớn đều chẳng có cái bảng để tên hay tờ giấy menu. Khách ngồi xuống quăng chìa khóa xe kéo cái ghế gọi món không đợi nhắc, an tâm là sẽ được ăn ngon ăn đúng mình chờ đợi. Thương hiệu ở Sài Gòn nhiều khi chính là lòng tin như vậy

Ăn sáng Sài Gòn nhanh gọn lẹ không tên tuổi tiếng tăm lẫn bàn ghế: ăn sáng lề đường. Dạo gần đây xuất hiện rầm rộ và nhiều hơn hẳn ngày xưa. Dọc những con đường bận rộn công sở lẫn tư nhân mỗi giờ sáng là bao nhiêu lựa chọn đồ ăn. Chỉ cần dừng xe lại xịch vào chút hay tranh thủ đèn đỏ ghé chân sang lề ra hiệu hoặc thì thào qua lớp khẩu trang là sẽ có ngay món ăn sáng không quá 15.000 chắc bụng no lâu. Thậm chí có vài nơi như bánh mì chả cá trên 3/2 có đội ngũ mặt đồng phục cử hẳn em sinh viên nhỏ đứng cuối đầu chào khách ngay vệ đường cung kính không kém gì một nhà hàng ăn sang trọng ở Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn. Những món ăn sáng này phần lớn là món khô như bánh mì, bánh bao, xôi, bún chay, các thể loại bỏ được vào hộp nhựa (độc hại =)) hay gói lá chuối nhanh lẹ không lâu hơn một hồi đèn đỏ.

Nhưng ăn sáng quan trọng nhất vẫn chính là có người đi chung 🙂 Sài Gòn làm gì một mình cũng được  vậy mà mọi người vẫn thích rủ nhau ăn sáng. Đúng hơn là rủ nhau ăn tất cả mọi bữa. Ăn sáng của mình dạo này có bạn cặp  kè, vui lắm nên ăn nhiều lắm. Kết luận..mập >_>

This slideshow requires JavaScript.

Spotlight of Faith

Spotlight là phim kinh điển của Mỹ thể loại chính kịch, đấu tranh cho công lý dựa trên câu chuyện có thật. Góc quay nhanh, tường thuật, không có những khung hình diễm lệ, thoại rất nhiều, cũng không khoa trương, giật gân, ít pha hành động, cả  phim chưa có lấy một cảnh đánh nhau chứ đừng nói đạn nổ đầu bom rơi

Tóm lại, lâu rồi mới coi lại phim như vậy. Spotlight cũng như tất cả các phim xây dựng câu chuyện tốt khác luôn là một đề tài mở, tùy người xem để cảm nhận thông điệp mình muốn thấy là gì. Tôi thấy  một thứ sụp đổ từ tại, chậm rãi nhưng hết sức mãnh liệt và cay đắng, sụp đổ của niềm tin.

Toàn bộ câu chuyện xoay quanh 4 phóng viên Spotlight trong lúc truy tìm sự thật đằng sau vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em của các cha xứ. Ban đầu họ chỉ là những người đam mê công việc, họ đói một tin lớn và khi tìm được họ lao theo nó, bỏ qua những ngõ cụt để từ từ tìm đến gần với sự thật. Nhưng không ai trong họ tỏ vẻ bị chấn động nhiều. Họ ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự nghiêm trọng vấn đề nhưng họ không chấn động. Tôi đã từng coi qua các phim tương tự, có điều những vụ khác liên quan đến mạng người, giết người…các thể loại mà chỉ cần nghe đến thì đã rùng mình cho nên nhân vật hay con người thật liên quan lập tức bị lôi vào dòng cảm xúc của vấn đề. Ở đây thì không. Vì cả 4 người, ở một phần ba đầu của phim, dưới kịch bản khéo léo đã nói rằng: với họ tôn giáo chỉ là một vài con chữ trên lý lịch. “Tôi đã từng đi nhà thờ, nhưng ngưng lâu rồi” “Tôi đổi đạo theo vợ” “Anh biết đó, tất cả chúng tôi đều là người có đạo. Chỉ vậy thôi” Tôn giáo với phần lớn người Mỹ là ngày lễ Noel, Phục Sinh, cuốn Bible trong nhà. Tôi còn nhớ một câu đùa từng đọc (vừa nghiêm chỉnh vừa đùa) : quyển sách được xuất bản bán ra nhiều nhất và ít được được đọc đến nhất chính là Kinh Thánh.

Nhưng việc gì sẽ xảy ra khi tội ác là sự góp “gió thành bão” của thói quen xã hội “Chúng ta người này dựa vào người kia mà sống” Tôi biết anh làm sai, nhưng tôi cần anh, nên tôi im lặng. Một vị luật sư trong phim đã nói “Cần 1 ngôi làng để nuôi dạy 1 đứa trẻ thì cũng cần 1 ngôi làng để hãm hại đứa trẻ” Cao trào của phim, không súng không máu, chính là lúc cả 4 nhà báo kia -những người hăm hở tìm công lý và hầu như không bị tổn thương gì trước tội ác, nhận ra mình không vô can, bản thân mình chính là thủ phạm và nạn nhân như bất kỳ ai trong thành phố Boston này. Mike Rezendes nổi giận với cơn phẫn nộ không hề báo trước với mạch phim, khi nhận tin chưa thể công bố câu chuyện. Cả khẩu hình, ánh mắt, lời thoại của nhân vật như cơn thịnh nộ lớn đổ xuống căn phòng nơi mà mọi người im lặng để chứng nhận cơn giận tương tự trong lòng. Sau đó anh tìm gặp Sacha tại nhà riêng “Tôi đã từng rất thích đi lễ nhà thờ, rồi tôi dừng lại, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ mình sẽ quay về đó”

Niềm tin là vậy, nó có thể nhỏ đi đến nỗi đôi khi không kịp thấy giữa rất nhiều bận rộn to lớn khác của đời sống bình thường, nhưng tự trong sâu thẳm tim mình chúng ta đều biết nó ở đó, còn sống. Chẳng hạn như một người phụ nữ đi qua đoạn trường có thể không còn đoái hoài tìm kiếm yêu đương, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn nghĩ tình yêu là một khả năng. Như một người tán gia bại sản vì làm ăn có thể đã không còn gì để gầy dựng lại, nhưng tận cùng suy nghĩ của mình vẫn mong cơ hội mới đến để làm lại từ đầu. Phải rồi, tất cả là ở đó “làm lại từ đầu” Mình yêu lại, tin lại, xây dựng lại, gặp lại… những thứ ấy là dấu hiệu của niềm tin tuy rất xa xỉ nhưng lại dai dẳng sống tốt nhất trong nhiều thứ khác ở con người. Điều gì xảy ra khi cái niềm tin kia bị triệt, bởi một tội ác? Bản thân không thể phủ nhận sự kinh hoàng của tội ác, nhưng vì chúng ta không phải nạn nhân trực tiếp, liệu có tự dễ dãi cho mình được tiếp tục tin?  Tôi không nghĩ Mike biết sẽ làm gì với câu hỏi ấy, anh chỉ ghê tởm và tức giận phẫn nộ khi mất đi  một thứ thiêng liêng trong anh. Sacha ngừng đi nhà thờ, MAtt không ngủ được. Tất cả họ đều loay hoay.  Riêng với Ben mọi việc còn tệ hơn. Anh đã là mắc xích nhỏ của tội ác kia, vô tình hay vô tâm, anh trở thành một trong một trăm một triệu người góp tay cho cái ác lộng hành. Khi được bạn hỏi “Cả thành phố này đã không làm gì vậy thì tại sao anh cũng không làm được gì lúc đó…” Ben chỉ có thể trả lời, bằng đôi mắt chưa từng thấy ở nhân vật này từ đầu phim “Tôi không biết”

Spotlight với tôi, đến cuối cùng vẫn là một phim buồn, dù kết thúc rất lạc quan với sự thật là câu chuyện khi lên báo tạo hiệu ứng mạnh hơn- 1000 nạn nhân đã bước ra ánh sáng. Nhưng càng nhiều con số, càng ít đi lòng tin. Giống như càng nhiều những chối từ càng hiểu rõ sự bất lực của một thứ mong đợi. Một niềm tin có thể kiên định, nhưng, cũng đến lúc nó phải ra đi, bởi vì not everthing is possible, really.

Phía sau nghi can X – Higashino Keigo

Phía sau nghi can X (Higashino Keigo) được bạn Cá kia giới thiệu, với một lời thề thốt, hay và quan trọng là không “giết” mình như Từng Thề  Ước khi nào.

Mình muốn nói bạn sai rồi bạn Cá. Mình đã đọc hết 2/3 cuốn sách trong một đêm bị giật mình dậy nửa chừng, giữa rất nhiều thứ phức tạp, như sợ hãi, buồn, lo lắng thậm chí là chán chường. Ý mình là, cuốn sách này lại giết mình.

Mình không thích truyện trinh thám vì lý do căn bản: mình rất tò mò, chịu không nổi sự thách thức của lấp lửng, cũng giống như việc không kiên nhẫn, muốn gì làm đó. Những câu truyện trinh thám thường bày ra trùng trùng điệp điệp tò mò lẫn nghi ngờ, làm cho người ta nghi hoặc tất cả để rồi phải cắm cúi theo dõi sự nghi hoặc của mình bị dẫn mũi đi một cách cố ý. Hoặc, cố tạo ra bức màn mây mù dày đặc, để người đọc đi lạc. Mình ghét đi lạc trong sách vở, mình lạc đã đủ ngoài đời thường 😦

Nhưng Phía sau nghi can X phá vỡ được vòng rào cản đó ở mấy trang đầu tiên. Vụ án mạng được tường thuật lại theo hướng kể của tội phạm. Rõ ràng, đơn giản từ động cơ đến sự việc. 1/3 cuốn sách là vậy. Phần còn lại mình tiên đoán có lẽ là cho thấy cách thức phá án, nhưng mình sai. Cách thức phá án chỉ là những gia vị cho rất nhiều thứ khác : tình yêu, đam mê, lý tưởng sống, bộ não, trái tim.

Có hai thứ mình rất thích trong Phía sau nghi can X đó là mối quan hệ giữa Ishigami và Toán Học, cái kia, dĩ nhiên là chuyện tình yêu 🙂 Ishigami đối với Toán Học không phải như mối quan hệ kiểu con người với bầu khí quyển – cần cho sự sống. Nó là mối quan hệ giữa một cá thể và phần còn lại thế giới. Nói cách khác, Ishigami triệt tiêu mọi thứ trong thế giới này, sự liên đới của anh với thế giới, sự ưu ái, mối bận tâm hay lòng thành, hết thảy anh đặt vào Toán Học. Anh thấy sự sống trong nó, và anh bỏ quên sự sống cũng vì nó. Hơn cả một lý tưởng, một sự cân bằng, Toán Học là mồ chôn của đời anh mặc dù trong chính nó anh thăng hoa nhất. Cho đến khi anh yêu 🙂

Tình yêu trong Phía sau nghi can X chậm chạp, mạch lạc và thậm chí sự vĩ đại đẹp đẽ của nó chỉ được xuất hiện vài ba dòng, những dòng đủ sức đè nặng hơi thở của bất kỳ trái tim khỏe mạnh nào. “Trên tọa độ thế giới có hai điểm mang tên Yasuko và Misato, điều đo thật kỳ diệu”, với mình câu này nói lên tất cả, vì bản thân hay đi lạc. Mình hiểu cảm giác của một người đang loay hoay giữa nhiều thứ, tay trái, tay phải, đèn đỏ, đèn xanh, qua đường, dãy phân cách, bảng tên đường, rồi đột nhiên tìm ra một hay hai điểm quen thuộc để giúp định hướng. Nó giải cứu bản thân người lạc đường khỏi vô vàn bất lợi nhưng quan trọng, nó mang cảm giác được cứu rỗi một cách mạnh mẽ chứ không phải từ tại theo ngày tháng. Hãy tưởng tượng về một nhân vật đã cô đơn hết tuổi trẻ đột nhiên sáng dậy tìm thấy tọa độ của đời mình. Tình cảm lúc đó phải chấn động choáng ngợp hơn cả tiếng sét ái tình tuổi hoa niên hay những đam mê trưởng thành. Bởi vì, nó là sự cứu vớt trong lúc tuyệt vọng.

Mình dĩ nhiên vẫn hy vọng có được những tọa độ như vậy, nhưng tốt nhất nên học cách đọc bảng đồ. Vì cuộc đời khác nhiều với sách vở, vì Toán Học không ngăn được Ishigami thoát khỏi vòng tròn lẩn quẩn của hy sinh được mất 🙂 À  xét về mặt trinh thám bất ngờ kịch tính câu chuyện này không thiếu  mặc dù nó hoàn toàn không có yếu tố giật gân đổ máu.

Joy is not that joyful. Joy Vs The Inside out

Mình đã nghĩ đến điều này từ giữa phim, hoặc sớm hơn chút, khi Joy một tay ôm đứa nhỏ gào lên vào  mặt chồng “Em không chịu đựng nổi nữa”, hoặc, khi Joy quỳ xuống sàn nhà sửa ống nước cho mẹ với sự bất lực mệt mỏi thả rơi trên từng sợi tóc rũ rượi của cô.

..Rằng Joy của Jennifer Lawrence chính là một cô gái trưởng thành , 20 năm sau của Joy – The Inside out.

Bạn có nhớ Joy -The inside out không? Cô gái tóc xanh lơ hai tay vun vẩy sẵn sàng đè bẹp hoặc cán chết ai đe dọa đến niềm vui và hứng khởi của cuộc đời. Cô gái luôn luôn “remember that day…” và kết thúc nó bằng một góc nhìn lạc quan đến mức ngu ngốc đáng yêu.

Cô gái đó, khi lớn lên trở thành một Joy với chồng ly dị sống dưới tầng hầm, bà mẹ yếu đuối lệ thuộc, ông bố nhu nhược, chị ghẻ ghen tỵ ngu ngốc và rất nhiều dấu phẩy khác ngăn cách cô với niềm vui ngày nào. Joy của Jennifer Lawrence thật ra không bi lụy, mà cả phim cho dù bi thảm nhất cũng không bị nhấn chìm trong bế tắc. Có lẽ vì thông điệp người ta muốn mang đến, hoặc cũng vì chính cô Joy ấy bản chất vẫn còn một chút ” ngu ngốc tươi sáng”. 2/3 phim trôi qua, khi mà câu chuyện phim liên tục vùi dập cô với những bi kịch xuất hiện mỗi 5 phút thoại một lần : bà nội mất, bị lừa, bị người thân làm hại, tôi có cảm giác người ta đang dạy cho Joy  nhỏ bé The inside out một bài học, như cô đã từng nhận ra trước kia: Cuộc sống cũng cần lắm một nỗi buồn. Nỗi buồn là tiếng chuông đánh thức sự tồn tại của bản thân. Nó giống như một căn bệnh nhiễm trùng bất thình lình đổ sập xuống cơ thể để bọn hồng cầu xông lên chiến đấu, để những cơn sốt cơn đau làm người ta trỗi dậy bản năng sống.

Điều đáng sợ nhất cuả trưởng thành không phải là số lượng đèn cầy trên bánh sinh nhật hay những nếp nhăn khóe mắt. Điều đáng sợ nhất là sự bình lặng, mất đi hứng thú của rất nhiều, rất nhiều thứ đáng được trân trọng, kể cả nỗi buồn. Cho đến khi trưởng thành bắt đầu được thích nghi, cũng là lúc người ta biết mình mất quá nhiều, và, khi ấy, tuổi già cùng sự nuối tiếc lại bày ra trước mặt.

Suy cho cùng thì Joy Jennifer Lawrence cũng đã chiến đấu hoàn hảo như mọi chuyện phim đề cao tính nhân văn. Có điều, tôi không rõ, đến tận lúc kết phim khi hàng chữ hiện lên, cô ấy có quay trở lại được làm Joy The Inside out. Cô ấy có còn thấy niềm vui tỏa ra như kim tuyến lấp lánh trên mọi cử động cuộc đời mình. Hay cô ấy chỉ đơn giản là khôn ngoan, mạnh mẽ, quật cường hơn trong con đường sống còn tồn tại?

 

Deadpool, từ khùng trở thành anh hùng

Hôm trước đi coi Deadpool cảm thấy nó hay hơn The Revenant, ý mình là cuốn hút và quyến rũ hơn chứ không phải ý nghĩa hay sâu sắc hay thâm cao. Hai thể loại khác nhau nhưng tất cả đều câu chuyện của máu, hận, trả thù. Điều khiến cho tui thích Deadpool chính là cách kể chuyện. The Revenant cốt truyện tốt, diễn viên tốt cảnh quay rất tốt nhưng lại có lối kể hơi ít sáng tạo khiến nó mang dáng của những tác phẩm văn học mạng ế của tui đây =)) Còn Deadpool vì lối kể quyến rũ kia mà từ chuyện tình anh hùng- thằng khùng- cứu mỹ nhân đơn giản có lúc nào đó đã lóe sáng ngang ngửa tác phẩm Nobel (ko biết lấy ai làm ví dụ).
Cái duyên của Deadpool thì nhiều lắm, như break the four walls của ảnh, rồi 100 easter egg hint mà nói thiệt tui phát hiện được 1/5 cũng cười đủ mệt rồi, thêm opening và ending credit. Nhiều đến nỗi làm người xem lo xa như tui tự hỏi phần 2 của nó liệu có thể theo kịp không…
Dù sao, cái tui muốn nói là chuyện tình yêu trong phim, như bạn đi coi phim chung đã ngán ngẩm nhận xét, đàn bà con gái coi phim đánh nhau kỹ xảo ngàn tấn cũng chỉ chăm chú vào chữ tình và chữ cảm.
Deadpool là một gã ngang tàng, khùng và nói nhiều. Nếu bỏ đi cái sự đột biến cơ thể kia thì Deadpool thật ra là một thằng con trai tưởng mình không sợ ai nhưng lại sợ rất nhiều: Sợ người yêu thấy mình xấu =)), sợ người yêu bỏ đi, sợ người yêu đau khổ, một trăm ngàn cái sợ vì chữ tình nhưng mà nó được che dấu bằng tấm mặt nạ da giả bộ “tui rất ngầu tui dek cần ai đâu” Người đàn bà của hắn nếu bỏ đi thân hình nóng bỏng và gương mặt đẹp thì chỉ là một số phận trải qua nhiều thứ ở đời, tưởng gai góc lắm nhưng cuối cùng vẫn chỉ biết khóc để níu giữ người yêu. Chuyện tình nam nữ này chỉ là nội dung phụ của những điều khác mà bộ phim muốn mang đến. Nó vừa ít vừa thoáng qua lại vừa tạo ra vẻ phơn phớt nhưng sự dụng công mà như không dụng công đó thực sự làm tui xúc động. Khi Vanessa gỡ mặt nạ để đối diện dung nhan tàn tạ của Deadpool, thì người xem như tui chợt à lên thích thú cay cả mắt Deadpool trở thành anh hùng không phải vì chính nghĩa, chỉ vì người yêu mình thôi.
Tình yêu có vẻ bốc đồng: gái quán bar anh giang hồ, có vẻ đầy xác thịt lẫn nông nổi thực sự tạo ra cảm giác lâu bền hơn mọi ngôn tình đang nghe người ta dạy nhau. Phần bên dưới chắc là hội thoại sâu sắc nhất phim rồi =))
Wade Wilson: Listen, I’ve been thinking.
Vanessa Carlysle: Really?
Wade Wilson: About why we’re so good together.
Vanessa Carlysle: Why is that?
Wade Wilson: Well, your crazy matches my crazy, big time.
Vanessa Carlysle: Mm.
Wade Wilson: And, uh, we’re like two jigsaw pieces, you know, and we have curvy edges.
Vanessa Carlysle: But you fit them together and you see the picture on top.
Wade Wilson: Right.